“Thành phố phía Đông” là khu đô thị sáng tạo được thành lập trên nền tảng 3 quận là Q.9, Q.2 và Q. Thủ Đức và là dự án mà Thành phố đã ấp ủ từ rất lâu đang trong giai đoạn chờ được Thủ tướng thông qua chủ trương.
Không phải tự nhiên mà Tp.HCM lại nhắm đến vùng đất phía Đông để xây dựng khu đô thị sáng tạo. Trong đó, sẽ thành lập nên 3 khu đô thị tương ứng với 3 chức năng chính:
- Khu đô thị Thủ Thiêm Q.2 trở thành trung tâm hành chính – văn hóa và kinh tế,
- Khu công nghệ cao Q.9 là nơi thực hành các ý tưởng sáng tạo với hơn 700 ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư
- Khu đại học Quốc gia Q.Thủ Đức với 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước sẽ là nơi ươm mầm ý tưởng, nghiên cứu khoa học, đào tạo Quốc tế, và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Hiện Tp.HCM đang xin Trung ương sáp nhập 3 quận gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông với quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211 km2. Đề xuất này được Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương ủng hộ.
Vậy Khu Đông Sài Gòn có gì?
- Về tiềm năng: đây là khu vực đang phát triển, còn nhiều dư địa và điều kiện hạ tầng để xây dựng ngay từ ban đầu, tập trung nhiều nhà đầu tư lớn với nhiều dự án khu đô thị kiểu mẫu.
- Về vị trí: đặc biệt thuận lợi khi nằm giữa 2 sân bay quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gần tuyến đường sắt Bắc – Nam và đường Vành Đai 3, kết nối Tp.HCM với các tỉnh thành lân cận.
- Về cơ sở hạ tầng: suốt thời gian qua khu Đông Tp.HCM được xem là nơi được đầu tư hạ tầng chỉn chu và “mạnh tay” nhất so với các khu vực khác. Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được hình thành tại đây như:
- Đường song hành cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây;
- Đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú);
- Cầu Thủ Thiêm 2;
- Dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm;
- Nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy – công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái;
- Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9, Thủ Đức, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
- Về khả năng liên kết với các khu vực lân cận: khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” Tp.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Việc phát triển Khu Đông Sài Gòn đồng thời tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam đặc biệt là ở Đồng Nai và Bình Dương.
- Theo ý kiến của các chuyện gia: khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ủng hộ việc Tp.HCM thành lập “Thành phố phía Đông” càng khẳng định tầm quan trọng của khu vực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Tp.HCM.
Như vậy, nếu được thành lập thì “Thành phố phía Đông” sẽ có hơn 1,1 triệu dân, với diện tích 21.000 ha, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia; trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Khu đô thị này hình thành cũng sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy cả trình độ con người, nâng cao đời sống, tri thức của người dân TP và là bệ phóng giúp Tp.HCM trở thành một đô thị xứng tầm với các nước phát triển trong khu vực, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị lớn trên thế giới.
Nguồn: Tổng hợp